Dậy thì muộn là một dạng rối loạn phát triển dậy thì. Bệnh có thể gây ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý, sự phát triển về thể chất và khả năng sinh sản của trẻ sau này.
Tuổi dậy thì là lúc cơ thể phát triển từ một đứa trẻ thành người trưởng thành. Dậy thì thường bắt đầu vào độ tuổi 9 - 12 ở con gái và 10 - 13 ở con trai. Biểu hiện dậy thì muộn ở nam và ở nữ khác nhau. Cụ thể là:
Giai đoạn dậy thì ở bé gái bắt đầu khi tuyến yên sản xuất hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH). 2 loại hormone này khiến buồng trứng phát triển và bắt đầu sản sinh estrogen. Giai đoạn tăng trưởng nhảy vọt ở bé gái bắt đầu sau khi ngực phát triển và chu kỳ kinh nguyệt đầu tiên sẽ xuất hiện khoảng 2 - 3 năm sau đó.
Thông thường, con gái bắt đầu dậy thì trong độ tuổi từ 11 - 15 với biểu hiện là sự xuất hiện của lần có kinh đầu tiên cùng một số dấu hiệu sinh dục phụ như chiều cao tăng lên, vú phát triển và xuất hiện lông ở cơ quan sinh dục. Nếu bạn gái không có bất kỳ dấu hiệu phát triển sinh dục nào ở tuổi 14 hoặc không có kinh nguyệt cho tới khi được 16 tuổi thì được gọi là dậy thì muộn.
Quá trình dậy thì ở bé trai diễn ra khi tuyến yên bắt đầu tiết ra nhiều hơn hormone luteinizing (LH) và hormone kích thích nang trứng (FSH) - chất khiến tinh hoàn phát triển và tạo ra hormone nam testosterone. Sự phát triển tăng vọt thường bắt đầu trong vòng 1 năm kể từ thời điểm trẻ có dấu hiệu dậy thì đầu tiên, thường vào lúc 15 tuổi.
Dấu hiệu nhận biết quá trình dậy thì đang diễn ra ở con trai là chiều cao tăng nhanh, nặng cân hơn, vai mở rộng, cơ bắp bắt đầu phát triển, thanh quản (cơ quan phát âm) to rộng ra nên giọng nói trở nên trầm đục. Hệ thống lông của trẻ phát triển, có ria mép và mọc râu, tinh hoàn và dương vật sẽ lớn hơn, có hiện tượng phóng tinh lần đầu.
Nếu trẻ trai đã bước qua tuổi 14 và không có các dấu hiệu kể trên, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra vật lý để đánh giá kích thước của tinh hoàn và dương vật của trẻ. Nếu kết quả kiểm tra cho thấy dương vật và tinh hoàn không phát triển hơn trước thì chứng tỏ trẻ đã bị dậy thì muộn.
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây chứng dậy thì muộn, ảnh hưởng của nó đến tâm sinh lý của trẻ sẽ khác nhau. Một điều dễ nhận thấy ở các bạn gái bị dậy thì muộn là tâm lý tự ti so với bạn bè đồng lứa và sự lo lắng về khả năng sinh sản sau này. Tuy nhiên, nhìn chung dậy thì muộn không ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản của bạn gái khi trưởng thành. Sau khi dậy thì, bạn gái vẫn có khả năng sinh sản bình thường. Và để tránh các mặc cảm về tâm lý, phụ huynh cần chú ý chia sẻ nhiều hơn với trẻ.
Với các bạn nam, dậy thì muộn nếu không được điều trị sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển thể chất. Về thể chất, hầu hết các bé trai dậy thì muộn thường thấp hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa. Nguyên nhân là do giai đoạn phát triển nhảy vọt của trẻ chậm hơn so với các bạn. Tuy nhiên, nếu được theo dõi và điều trị kịp thời, trẻ vẫn có thể phát triển đuổi kịp bạn bè vào năm 18 tuổi và có chiều cao bình thường như người trưởng thành.
Bên cạnh đó, dậy thì muộn còn có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng sinh sản của nam giới. Cụ thể, hệ thống nội tiết không kích hoạt quá trình phát triển của cơ quan sinh dục nam sẽ khiến dương vật bị nhỏ, tinh hoàn teo, gây ảnh hưởng xấu tới quá trình sinh tinh, có thể dẫn đến vô sinh nam hoặc ảnh hưởng tới khả năng tổng hợp testosterone của tinh hoàn.
Đồng thời, dậy thì muộn cũng gây ảnh hưởng xấu tới tâm lý của trẻ. Trẻ thường tách ra khỏi tập thể, bị rối loạn tâm lý, không muốn giao tiếp, thậm chí là trầm cảm.
Phụ huynh cần chú ý tới sức khỏe thể chất và tinh thần của con. Nếu thấy trẻ có cảm giác mặc cảm, tự ti, cha mẹ cần chú ý chia sẻ nhiều hơn, chỉ ra những điểm mạnh của trẻ thay vì chỉ tập trung vào những vấn đề trên cơ thể mình. Đối với trẻ, khi có các dấu hiệu của dậy thì muộn, tốt nhất nên báo với phụ huynh để đi kiểm tra càng sớm càng tốt. Các em cũng nên giữ tâm lý bình tĩnh, đón nhận chuyện này một cách tự nhiên, chia sẻ với người lớn nhiều hơn và tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của bác sĩ để đuổi kịp đà phát triển của lứa tuổi, đảm bảo đời sống tâm sinh lý bình thường.
Nhìn chung, hầu hết các trường hợp dậy thì muộn ở trẻ không gây ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe, sự phát triển của trẻ. Dù vậy, phụ huynh vẫn cần quan tâm hơn tới con cái để kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường để sớm đi kiểm tra và có phương án điều trị kịp thời, hiệu quả.
Tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec hiện đang triển khai các dịch vụ thăm khám chuyên sâu về nội tiết Nhi, trong đó có dậy thì muộn/ dậy thì sớm.
Với trang thiết bị hiện đại cùng với đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế giàu kinh nghiệm, tâm huyết và yêu nghề, phòng khám sẽ là địa chỉ tin cậy cho các bậc cha mẹ khi có nhu cầu khám chữa bệnh cho con. Khi thăm khám, phụ huynh sẽ được tư vấn và giải đáp các thắc mắc về dậy thì muộn/ dậy thì sớm ở trẻ. Trẻ sẽ được thực hiện các xét nghiệm nội tiết tố sinh dục trong máu, xét nghiệm đánh giá tuổi xương, chụp MRI não hoặc các xét nghiệm chuyên sâu hơn, nhằm xác định đúng nguyên nhân gây ra dậy thì muộn/sớm và kịp thời can thiệp.
Để đặt lịch khám và tư vấn, Quý Khách có thể đăng ký TẠI ĐÂY.
XEM THÊM:
Sốt mò ở trẻ em là bệnh nhiễm trùng cấp tính, truyền nhiễm sang người qua ấu trù...
Trẻ bị rụng tóc do nhiều nguyên nhân gây ra. Tùy vào mức độ rụng tóc của bé, phụ...
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, có thể vì nhiều lý do khá...
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Phạm Văn Minh - Bác sĩ...
Nấc cụt là phản xạ thường thấy ở trẻ sơ sinh. Một trong những nguyên nhân gây nê...
Dị dạng chiari là một dị tật bẩm sinh được chia làm 4 loại theo mức độ nghiêm tr...