Liệu pháp ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương tự thân trong điều trị di chứng thần kinh do ảnh hưởng của chảy máu não ở trẻ sơ sinh - Mới nhất 2023 | Bacsi247.org

Liệu pháp ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương tự thân trong điều trị di chứng thần kinh do ảnh hưởng của chảy máu não ở trẻ sơ sinh


  • 18:00 21/03/2023
  • Xếp hạng 4.81/5 với 30140 phiếu bầu

Bài viết được dịch bởi ThS. Bùi Việt Anh, ThS. Hoàng Thanh Hương - Viện Nghiên Cứu tế bào gốc và công nghệ Gen Vinmec.

Ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương (BM MNCs) tự thân có thể cải thiện chức năng vận động và giảm sự co cơ ở trẻ em bị ảnh hưởng của chảy máu não trong thời kỳ sơ sinh.

1. Vai trò của ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương trong điều trị

  • Chảy máu não (Intracranial Hemorrhage – ICH) xảy ra ở trẻ sơ sinh là tình trạng nghiêm trọng, nhất là ở trẻ sinh non (trước 37 tuần thai, sinh non đặc biệt trước 32 hoặc 28 tuần thai) dẫn tới tỷ lệ mắc bệnh và tử vong cao. Trong đó, chảy máu não thất (Intra-ventricular Hemorrhage – IVH) là dạng thường gặp nhất của chảy máu não ở trẻ sơ sinh thiếu tháng, chủ yếu xảy ra khi sinh trước 32 tuần thai.
  • Nguyên nhân và những tình huống mắc phải chảy máu não ở trẻ sơ sinh:
    • Rất nhiều yếu tố nguy cơ có liên quan tới chảy máu não thất như tuổi thai non, cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2,5kg), nhiễm trùng tử cung ở thai phụ, biến cố gặp phải khi sinh thường, tràn khí màng phổi, thiếu oxy, tăng huyết áp, co giật, còn ống động mạch (bệnh lý tim bẩm sinh xảy ra khi ống động mạch không đóng lại).
    • Chảy máu não không chỉ xảy ra ở trẻ sinh thiếu tháng mà còn ở cả trẻ sinh đủ tháng nhưng mắc phải các tổn thương não, dị tật mạch máu, thiếu hụt vitamin K và nhiều điều kiện khác như ngạt trong quá trình chuyển dạ và khi sinh. Các nguyên nhân chảy máu não ở trẻ sơ sinh chủ yếu do các can thiệp sản khoa, nhất là các trường hợp sinh khó phải sử dụng các biện pháp hỗ trợ khi sinh như giác hút, kẹp,...
    • Chảy máu não có thể gây tổn thương ngay lập tức hoặc các di chứng về sau cho bộ não. Khối máu tụ gây ảnh hưởng nghiêm trọng: tăng áp lực nội sọ, giảm áp lực tưới máu não, giải phóng cytokine viêm và các gốc tự do gây nên thiếu máu cục bộ và thiếu oxy nhu mô não, tổn thương chất trắng và hoại tử chất trắng. Những ảnh hưởng này gây nên nhiều di chứng thần kinh nghiêm trọng như bại não, co giật, suy giảm nhận thức, não úng thủy,..., thậm chí tử vong.
Chảy máu não
Hình ảnh MRI não trẻ sơ sinh: Bán cầu não phải trên biên của thùy thái dương, một khối máu tụ nội sọ, và khối thứ hai ở thùy thái dương trái


  • Phương pháp:
    • Những phương pháp điều trị truyền thống đối với các di chứng thần kinh sau chảy máu não ở trẻ sơ sinh có nhiều mặt hạn chế. Gần đây, ghép tế bào gốc đang được áp dụng trong việc cải thiện những ảnh hưởng về thần kinh ở trẻ em, đang đưa đến những kết quả đầy hứa hẹn.
    • Liệu pháp ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương (Bone Marrow Mono-nuclear Cells – BM MNCs) tự thân trong điều trị di chứng thần kinh còn rất mới trên thế giới. Tế bào đơn nhân được tách chiết từ máu tủy xương, sau đó được truyền vào cơ thể bệnh nhân qua đường tủy sống. Khối tế bào đơn nhân sẽ theo tuần hoàn của dịch não tủy đi lên não bộ. Tại đây, các tế bào này giúp tăng sinh mạch máu, hình thành các chất có chức năng kháng viêm, đồng thời kích thích những tế bào gốc thần kinh tại khu vực tăng sinh, biệt hóa, từ đó phục hồi vùng não bị tổn thương.
    • Để đánh giá tình trạng của bệnh nhân sau khi được ghép tế bào đơn nhân, các tiêu chí được áp dụng gồm: hệ thống phân loại chức năng vận động thô (Gross Motor Function Classification System – GMFCS), chức năng vận động và trương lực cơ được đánh giá bằng thang đo chức năng vận động thô – 88 thang điểm (Gross Motor Function Measure – GMFM-88), thang điểm Ashworth cải tiến (để đánh giá độ co cứng cơ).

2. Một số kết quả điều trị tại bệnh viện Vinmec Times City

Một số trường hợp lâm sàng điển hình của ghép tế bào đơn nhân tự thân từ tủy xương để cải thiện di chứng thần kinh ở trẻ em chịu ảnh hưởng của chảy máu não trong giai đoạn sơ sinh:

Trường hợp 1

  • Bé trai được can thiệp sinh mổ ở tuần 40 do quá trình sinh thường kéo dài. Cân nặng sơ sinh đạt 2,9 kg. Bé bị ngạt ngay sau khi sinh, chảy máu não được phát hiện 1 ngày sau sinh.
  • Khi 14 tháng tuổi, bé trai được xác nhận mắc bại não ở mức độ nghiêm trọng (GMFCS mức độ 5 – Mức độ cao nhất của hệ thống phân loại chức năng vận động thô ở trẻ bại não) với các biểu hiện: thiểu năng trí tuệ, liệt nửa người, khả năng vận động kém, co cơ, co rút gân gót, mắc chứng khó nuốt, có thể ngồi khi chống tay, nhưng không thể bò hoặc đứng. Khả năng nhìn kém khi chỉ có thể phân biệt giữa sáng và tối ở khoảng cách rất gần.
  • Bệnh nhân đã trải qua 4 lần ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương ở các thời điểm 14, 17, 24 và 39 tháng tuổi mà không gặp biến cố bất lợi nào. Sau điều trị, khả năng vận động và trương lực cơ được cải thiện tích cực (Hình 1). Bệnh nhân có khả năng ngồi và bò chỉ 3 tháng sau lần ghép đầu tiên, khả năng đứng khi bám vào đồ đạc sau 10 tháng ghép tế bào đơn nhân và có thể đi bộ khi có người dắt tay vào 25 tháng sau lần ghép đầu. Độ co cứng cơ giảm từ mức 2 xuống 1 dựa trên thang điểm Ashworth cải tiến. Chứng khó nuốt biến mất vào tháng thứ 10 sau lần ghép đầu tiên. Khả năng nhìn được cải thiện rõ rệt khi bệnh nhân có thể nhận ra và xác định ánh sáng từ điện thoại di động hoặc các thiết bị khác và tìm đồ vật mong muốn.
032
Hình 1: Sự cải thiện chức năng vận động và trương lực cơ ở Trường hợp 1 trước và sau khi được ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương.

Trường hợp 2

  • Bé trai được sinh bằng phương pháp sinh mổ cấp cứu vào tuần thai thứ 32 do thiểu ối và viêm màng ối. Cân nặng sơ sinh đạt 1,8 kg. Em bé bị ngạt khi sinh và chảy máu não được chẩn đoán 1 ngày sau sinh. Dẫn lưu não thất - ổ bụng được tiến hành khi 2 tháng tuổi do não úng thủy. Khả năng vận động bị hạn chế và bại não được xác nhận vào 9 tháng tuổi.
  • Khi 47 tháng tuổi, tình trạng bại não ở mức độ nghiêm trọng (GMFCS mức độ 5) với các biểu hiện: thiểu năng trí tuệ, liệt nửa người, kỹ năng vận động thô và tinh đều kém, kiểm soát đầu cổ kém, co cơ, co cứng cánh tay, dị tật cổ tay, co rút gân gót và mắc chứng khó nuốt. Bé trai có thể lăn, nhưng không thể ngồi vững. Co giật xảy ra 1 – 2 lần/tuần và yêu cầu phải sử dụng thuốc động kinh.
  • Bệnh nhân đã trải qua 3 lần ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương vào thời điểm 47, 53, và 59 tháng tuổi mà không xảy ra bất kỳ biến cố bất lợi nào. Sau điều trị bằng phương pháp này, sự cải thiện kỹ năng vận động thô và tinh được ghi nhận 6 tháng sau lần ghép đầu tiên: có thể tự ngồi vững khi dựa vào tường và vịn vào đồ đạc để đứng dậy. Chức năng vận động thô tiếp tục được cải thiện đáng kể sau 22 tháng từ lần ghép đầu tiên: tự đứng mà không cần hỗ trợ, đi lại không cần người dắt hoặc đi lại sử dụng khung tập đi có bánh xe hỗ trợ. Sự co cơ giảm, biểu hiện bằng kết quả theo thang đo Ashworth cải tiến giảm từ mức độ 4 xuống 2. Độ co cứng cánh tay, dị tật cổ tay và co rút gân gót đều được cải thiện. Chứng khó nuốt dần biến mất, do vậy bệnh nhân có thể ăn được đồ ăn ở thể rắn (như cơm,...). Sau khi ghép, liều lượng thuốc chống động kinh được giảm dần và dừng hẳn sau 22 tháng mà không xảy ra co giật.

Trường hợp thứ 3

  • Bé trai được can thiệp sinh mổ ở mốc 42 tuần thai, do quá trình sinh thường kéo dài. Cân nặng sơ sinh đạt 3,3 kg. Vào 33 ngày tuổi, em bé bị tím tái, hôn mê, và được chẩn đoán chảy máu não. Phẫu thuật được tiến hành để loại bỏ khối máu tụ.
  • Khi được 15 tháng tuổi, bé trai được chẩn đoán bị bại não ở GMFCS mức độ 2 với các triệu chứng: liệt nửa người phải, chức năng vận động tinh bên tay phải kém, co cơ, cánh tay phải bị co cứng, bàn tay và cổ tay bị dị tật, dáng đi với đầu gối giật, có thể đứng khi bám vào đồ đạc, nhưng không thể tự bước đi.
  • Bệnh nhân được ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương một lần khi 15 tháng tuổi mà không gặp bất kỳ biến cố bất lợi nào. Sau khi ghép được 6 tháng, chức năng vận động và sự co cơ được cải thiện đáng kể: có thể đi, nhảy, bò lên cầu thang mà không cần hỗ trợ; cánh tay phải co cứng đã được cải thiện; không còn dị tật ở bàn tay, cổ tay và không còn dáng đi gối giật.

Trường hợp 4


  • Bé trai được can thiệp sinh mổ ở mốc 40 tuần thai do tình trạng nhau tiền đạo (nhau thai lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung – cổng ra của tử cung). Cân nặng sơ sinh đạt 2,9 kg. Vào 28 ngày tuổi, em bé bị nôn trong tình trạng nghiêm trọng, tím tái, hôn mê. Chảy máu não được chẩn đoán và điều trị bằng thuốc trong 20 ngày, không can thiệp phẫu thuật.
  • Khi được 68 tháng tuổi, bé trai được chẩn đoán bị bại não ở GMFCS mức độ 4 với các triệu chứng: thiểu năng trí tuệ, liệt nửa người, chức năng vận động tinh kém, co cơ, cứng khớp gối, dáng đi với đầu gối giật, co rút gân gót, co cứng cánh tay, dị tật bàn tay và cổ tay, có thể ngồi mà không cần hỗ trợ nhưng không thể bò và đứng. Bệnh nhân được ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương hai lần khi 68 và 74 tháng tuổi, mà không gặp bất kỳ biến cố bất lợi nào. Sau lần ghép đầu được 6 tháng, chức năng vận động thô được cải thiện: có khả năng bước đi khi bám vào đồ vật, đi lại khi có người dắt tay. Sau 14 tháng ghép tế bào gốc, bé trai có thể đứng mà không cần hỗ trợ, đi bộ khi được dắt; cải thiện các tình trạng co rút gân gót, cứng khớp gối, dáng đi gối giật, giảm co cơ (từ mức độ 4 xuống 2 theo thang đo Ashworth cải tiến).
Chảy máu não
Chảy máu não ở trẻ sơ sinh cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời

Kết quả tích cực từ những trường hợp đã được điều trị tại bệnh viện Vinmec Times City cho thấy rằng ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương tự thân có thể cải thiện những di chứng thần kinh do ảnh hưởng của chảy máu não ở giai đoạn sơ sinh.

Ngoài chức năng vận động thô (ngồi, bò, đi, đứng, leo trèo,...) và kỹ năng vận động tinh (là những kỹ năng liên quan đến khả năng điều khiển bàn tay và các ngón tay như: cầm nắm đồ chơi, xoay, vặn, và các động tác phức tạp hơn như cầm muỗng, cầm bút,...), các kỹ năng cá nhân và xã hội, và kỹ năng ngôn ngữ đã được cải thiện đáng kể sau khi ghép tế bào đơn nhân. Bên cạnh đó, các bệnh nhân tiếp tục tham gia vật lý trị liệu để tăng hiệu quả phục hồi chức năng sau điều trị.

Tài liệu tham khảo:

[1] Liem, N. T., Huyen, T. L., Huong, L. T., Doan, N. V., Anh, B. V., Anh, N. T. P., & Tung, D. T. (2020). Outcomes of Bone Marrow Mononuclear Cell Transplantation for Neurological Sequelae Due to Intracranial Hemorrhage Incidence in the Neonatal Period: Report of Four Cases. Frontiers in Pediatrics, 7, 543

[2] Handley SC, Passarella M, Lee HC, Lorch SA. (2018). Incidence trends and risk factor variation in severe intraventricular hemorrhage across a population based cohort. J Pediatr. 200:24–9.e3. 10.1016/j.jpeds.2018.04.020

[3] Babnik J, Stucin-Gantar I, Kornhauser-Cerar L, Sinkovec J, Wraber B, Derganc M. (2006). Intrauterine inflammation and the onset of peri-intraventricular hemorrhage in premature infants. Biol Neonate. 90:113–21. 10.1159/000092070

[4] Unal E, Ozsoylu S, Bayram A, Ozdemir MA, Yilmaz E, Canpolat M, et al. (2014). Intracranial hemorrhage in infants as a serious, and preventable consequence of late form of vitamin K deficiency: a selfie picture of Turkey, strategies for tomorrow. Childs Nerv Syst. 30:1375–82. 10.1007/s00381-014-2419-2

Liệu pháp ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương tự thân trong điều trị di chứng thần kinh do ảnh hưởng của chảy máu não ở trẻ sơ sinh
Tác giả: Nguyễn Ngọc Tùng tổng hợp theo: vinmec.com
Tag: Ghép tế bào đơn nhân từ tủy xương, Công nghệ gen, Chảy máu não thất, Tế bào gốc, Ghép tế bào đơn nhân,
 
Cùng chuyên mục
Xét nghiệm nuôi cấy cụm tế bào gốc tạo máu trong đánh giá chất lượng đơn vị tế bào gốc tạo máu

Xét nghiệm nuôi cấy cụm tế bào gốc tạo máu trong đánh giá chất lượng đơn vị tế bào gốc tạo máu

Bài viết bởi ThS. Nguyễn Đắc Tú, Trưởng nhóm Đánh giá Chất lượng Sản phẩm, Trung...

Hàm lượng và khu vực tập trung kim loại nhôm trong não bệnh nhân tự kỷ

Hàm lượng và khu vực tập trung kim loại nhôm trong não bệnh nhân tự kỷ

Bài viết bởi Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn - Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen...

Hội chứng buồng trứng đa nang và sự rối loạn chức năng ty thể

Hội chứng buồng trứng đa nang và sự rối loạn chức năng ty thể

Bài viết được viết bởi Tiến sĩ Đàm Thị Minh Phương - Chuyên viên Y tế - Tế bào g...

Mối liên hệ giữa Hormone và bệnh đa xơ cứng

Mối liên hệ giữa Hormone và bệnh đa xơ cứng

Hormone nam testosterone có khả năng giảm các rối loạn tự miễn, nhờ vậy nam giới...

Thu nhận và lưu trữ tế bào gốc từ tủy răng sữa

Thu nhận và lưu trữ tế bào gốc từ tủy răng sữa

Bài viết được viết bởi Chuyên viên y tế Nguyễn Tiến Lung - Viện nghiên cứu Tế bà...

Vai trò của tế bào trình diện kháng nguyên trong đáp ứng miễn dịch

Vai trò của tế bào trình diện kháng nguyên trong đáp ứng miễn dịch

Bài viết được viết bởi ThS. Nguyễn Văn Phòng, Tạ Văn Thành - Viện nghiên cứu Tế...

 
Bài viết liên quan