Polyp đại tràng là bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em. Polyp đại tràng ở trẻ em thường tiến triển âm thầm, không có nhiều triệu chứng trong giai đoạn đầu nên việc chẩn đoán, phát hiện sớm thường gặp nhiều khó khăn.
Polyp đại tràng là một khối phát triển bất thường trên lớp niêm mạc đại tràng (ruột già). Polyp đại tràng chủ yếu là lành tính nhưng polyp tuyến ống và nhung mao có thể tiến triển thành ung thư. Polyp có thể xuất hiện đơn độc hoặc mọc nhiều polyp dọc theo đại tràng. Bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng, thường chỉ được phát hiện tình cờ khi chụp X-quang đại tràng, nội soi đại tràng hoặc xét nghiệm máu ẩn trong phân.
Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ trẻ bị polyp trực tràng như chế độ ăn, viêm nhiễm, yếu tố cơ địa và di truyền,... Ở trẻ em, độ tuổi trung bình mắc polyp đại tràng là 4 – 7 tuổi. Trẻ nhỏ 1 – 2 tuổi cũng có thể mắc bệnh nhưng tỷ lệ rất thấp. Bệnh cũng phổ biến ở trẻ trai hơn trẻ gái.
Phần lớn các polyp đại tràng ở trẻ em ở dạng lành tính. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các polyp thường sẽ tiếp tục phát triển to dần, khiến trẻ ngày càng sụt cân, còi cọc, không bắt kịp đà tăng trưởng.
Hơn nữa, nếu để lâu, polyp đại trực tràng có thể dẫn tới những nguy cơ khác như rối loạn tiêu hóa, chảy máu tiêu hóa hay thậm chí là ung thư hóa. Theo nghiên cứu, trẻ càng lớn tiềm năng ung thư hóa polyp đại tràng càng cao. Nguy cơ ung thư hóa thường sau 10 năm, phụ thuộc vào loại polyp và kích thước polyp. Thông thường, polyp tuyến ống, nhung mao, kích thước 1 – 1,5 cm dễ hóa ung thư.
Polyp đại tràng cần được phát hiện và điều trị sớm để tránh nguy cơ phát triển lớn gây tắc ruột hoặc tiến triển thành ung thư. Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện đau bụng, rối loạn tiêu hóa, đặc biệt là thay đổi thói quen đi ngoài, đại tiện ra máu,... cha mẹ nên đưa trẻ đi khám. Các phương pháp chẩn đoán là dựa vào bệnh sử, thăm khám lâm sàng, chụp cản quang khung đại tràng hoặc thực hiện nội soi toàn bộ đại trực tràng.
Việc điều trị polyp đại tràng ở trẻ em cũng tương tự như ở người lớn, tức là phẫu thuật cắt polyp qua nội soi. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ kiểm tra khu vực polyp đại tràng xuất hiện và tiến hành đốt điện cắt. Mỗi lần cắt có thể loại bỏ 50 – 60 polyp. Thủ thuật này khá an toàn nên người bệnh có thể được xuất viện ngay sau khi thực hiện phẫu thuật. Chỉ những trường hợp có triệu chứng khó cầm máu mới cần được theo dõi lâu hơn.
Ở trẻ em, do cơ địa phát triển tốt, các trường hợp cắt polyp đại tràng xong ít khi tái phát. Trừ trường hợp đa polyp gia đình, bác sĩ sẽ cần theo dõi sau cắt polyp nội soi để tránh biến chứng. Ngoài ra, sau 6 tháng thực hiện thủ thuật, bệnh nhân nên đi khám lại và soi đại tràng để đánh giá hiệu quả điều trị.
XEM THÊM:
Viêm gan C là một trong những loại bệnh xảy ra thầm lặng nhất. Virus gây bệnh xâ...
Bệnh áp xe gan là sự hình thành ổ mủ do tổ chức tế bào gan bị phá hủy, gây ra nh...
Chế độ ăn cho người sỏi mật cần đầy đủ dinh dưỡng, giảm chất béo xấu, bổ sung ch...
Việc cấy ghép có khả năng mang lại cuộc sống tích cực hơn và sống lâu hơn, không...
Khi xuất hiện những dấu hiệu của bệnh hẹp môn vị, người bệnh nên đến ngay các cơ...
Ghép thận là phương pháp phẫu thuật lấy một quả thận còn tốt từ người cho để ghé...